Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Biên Giới Tây Nam Trong Ký Ức....



THẢM CỎ BỜ SÔNG HỒNG

 Buổi sớm Gương mặt em như xa vắng
 Anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen
 Lá đổ tinh mơ rêu phủ
 Đường cong xa vời
 Gạch lửa phơi đỏ thắm
 Đã từng mưa ở đây
Nắng đã từng trắng
 Mảnh tường nơi này
 Anh thuộc lòng dấu cũ em qua
 Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng mưa lũ
Tay em lạnh mà không run sợ
 Anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy
 Mặt anh thì xạm cháy
 Nhưng ngày mai em ơi
 Chớ vắng bàn tay em
Trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc
 Ngày mai ơi Hà Nội không phai
Suốt một ngày bầu trời thăm thẳm
 Nhớ riêng em
 Tôi nhớ những gì tôi chưa có được
 Thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ
 Màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệ
t Nếu ta có lỗi với em
 Cũng vì ta muốn mình không có lỗi
Trước mặt em còn được tươi cười
 Giọng vang và trẻ mãi
Bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi
 Cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng
 Thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim
Nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới
 Những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi
 Ta chỉ muốn mình không có lỗi
 Đừng buồn em nhé, bây giờ
 Hồi em buồn nhớ
Anh còn buồn hơn
 Em
 Nhỏ bé mà trắng tinh
Trước mặt thảm cỏ dòng sông
 Cầm tay một bông đại đoá
 Em ạ,
 chớ buồn
 Anh vào cực Nam đây.

 Hà Nội, tháng 3 năm 1971 Trần Vũ Mai



****************************


Biên giới Tây nam
« vào lúc: 12 Tháng Một, 2008, 10:36:34 AM »
TRUNG ĐOÀN

(Đã từ lâu tôi có ý định viết về trung đoàn 2, sư đoàn 9 thân yêu của tôi. Tình cờ biết trang web quansuvn này,tôi tranh thủ ghi lại những chặng đường đã đi qua cùng Trung đoàn của mình ở dạng đơn sơ nhất trước khi rèn giũa biên tập lại thành cái gì đó hay hơn để chia sẻ với các anh em đồng đội trên diễn đàn. Kỷ sử của một binh nhì trong Quân sử lớn. Tạm coi là thế ! Tất cả tên người, tên đất trong bài này, vì theo tiêu chí Sử nên xin phèp các Liệt sĩ, các đồng đội cho phép dùng tên thật. Xin cảm ơn!)


Cho đến khi chuyển từ trạm Long Bình về cứ của Sư đoàn 9 ở Trảng Lớn, Thị xã Tây ninh năm 1978, tôi - một binh nhì 18 tuổi đời vẫn chưa có hình dung nào về chiến tranh, về những ngày tháng mình sẽ đi qua cùng trung đoàn mình được bổ sung vào. Trung đoàn Đồng Xoài của tôi, một trang bi hùng, một phần máu xương của đồng đội tôi, của tôi...
Thị xã Tây ninh, một thị xã biên giới xinh xắn và xanh ngắt nằm yên tĩnh giữa một vùng đất đỏ. Đoàn xe quân sự vừa dừng bánh, các dì, các em chìa tận cửa xe mời mua những bịch nước mía đá, những gói kẹo đậu phộng..." Mía ghim ! Mía ghim....Năm hào một cây mía ghimm...". Xe lôi, xe thổ mộ ngược xuôi. Toà Thánh Cao Đài, chợ Long Hoa người đi lại nhộn nhịp. Đám đông dân chúng thỉnh thoảng điểm sắc lính áo xanh. Trong một vài quán cóc, dăm ba thương binh chống nạng hoăc băng tay trắng toát, phì phèo điếu thuốc rê trên môi, nhìn theo đoàn lính mới ra chiều thông cảm...
Ngày 25/11/1978, buổi tối, trong khi đang điểm danh đơn vị, bầu trời thị xã đột nhiên sáng bừng bởi hàng trăm vệt đạn vạch đường xé toạc màn đêm yên tĩnh. Đại trưởng hô: " Giữ nghiêm hàng ngũ! Các đơn vị phòng không đang diễn tập đánh máy bay địch! Tiếp tục..

Đêm đó, tôi đã cảm thấy hơi thở của thần Chiến tranh đang phả đâu đây !
Trảng Lớn là căn cứ cũ của sư đoàn 25 QLVNCH trước đây nằm ngoài rìa thị xã Tây ninh, bao gồm nhiều phân khu độc lập. Các phân khu giới hạn bởi các hàng rào thép gai phủ đầy cỏ Mỹ, vạch ngang dọc những lối chồn đi. Bấy giờ đang là mùa khô. Ngày nắng, bụi, nhưng đêm về gió chướng lùa qua lỗ vách, vốn là những tấm ghi lột lên từ đường băng dã chiến cũ, lạnh gai người. Bình minh mùa khô phương nam thật lạ. Chân trời đỏ rực với những dải mây thấp, loang lổ xám. Chưa đến giờ tập thể dục. Tôi còn đang ngái ngủ bỗng dỏng tai nghe. " Vi vi vuuut.....Oành! Oành...! Tất cả chạy nháo ra sân. Trung đội trưởng hét lên : " Tản ra ! Nằm xuông ! Pháo 130 ly nó giã đấy..! Mấy quả nữa bắn trúng dãy nhà tôn bỏ không mé bên trái, giật tung mái bay xoang xoảng. Tôi không còn thấy sợ nữa nhưng lòng cảm nhận tê tái : Chiến tranh thực sự rồi ! Nó bắn thêm mấy quả nữa rồi ngưng, chắc sợ ta dò toạ độ phản pháo hoặc oanh tạc không quân. Cỏ Mỹ khô bắt lửa cháy giần giật. tàn lửa bay tung toé trong khói cuồn cuộn.
Ở căn cứ thêm mấy ngày nữa, ngày 8/12/1978, chúng tôi lên đường ra chốt.
Lại lên xe. Nhưng không phải xe ca nữa, mà là xe REO, loại xe vận tải quân sự của Mỹ. Chạy về hướng Sài gòn à? Ai cũng thắc mắc, mặt trận ở hướng Tây kia mà? Lại qua những xóm ấp yên bình, những cánh đồng, trảng mía ngút tầm mắt,sông Vàm Cỏ đông nước xanh ngăn ngắt, thị trấn Gò Dầu hạ tấp nập... Chóp núi Bà Đen uy nghiêm chầm chậm xoay mình theo hướng xe lăn.... Bây giờ thì chóp núi ấy đã ở phía sau chúng tôi, hơi chếch về tay phải. Có nghĩa là trước mặt là hướng chính Tây...Đường bắt đầu vắng teo. Cánh đồng không cày cấy cỏ dại dày rịt, vàng úa. Một con đê thấp nằm chắn ngang cánh đồng, đùn lên là mấy ụ đất bao quanh mấy khẩu pháo tự hành lừng lững.Dãy lều bạt lụp xụp. Đơn vị pháo chiến dịch 175mm (pháo Mỹ) đấy! Cửa khẩu Mộc bài đấy! Biên giới đấy! Ôi chao biên giới là thế này đây...! Nó không như hình dung của tôi. Đoàn xe bình thản vượt qua ranh giới vô hình ấy. Chúng tôi ngoái lại nhìn nước Việt một lần nữa. Ôi đất nước mẹ tôi em tôi! Có lẽ nhiều nghìn ngày nữa, trên những con đường đầy khói bụi của chiến tranh, có thể tôi sẽ gặp, hoặc không gặp lại Người !
Đồng không mông quạnh. Thốt nốt mọc theo những bờ ruộng thành từng cụm hoặc đơn lẻ. Đến ngã ba Chi Phu, đoàn xe rẽ trái xuôi về hướng nam chừng 1.5 km rồi dừng lại. Bộ đội xuống xe rôì được phân về từng đơn vị theo sự dẫn dắt của ban quân lực. Tôi và nhiều chiến hữu quê Hà nội khác được điều về tiểu đoàn 4, trung đoàn 2, sư đoàn 9 thuộc quân đoàn 4. Anh Tuấn - hỗn danh Tuấn "còi", trung đội phó thông tin tiểu đoàn dẫn tôi và đoàn lính mới tò te băng đồng về chốt. Bố này muốn doạ , hoặc ra điều ta đây lính cũ thỉnh thoảng lại nhắc: " Bảo đi khom là đi khom, bảo chạy là chạy rõ chưa ! Không 12.8 mm nó quất cho bỏ mẹ !". Tiếng thì eo éo như con gái, nghe vừa tức, vừa buồn cười.
Xế chiều hôm đó, chúng tôi về đến chốt Long An. Địa bàn chốt giữ của tiểu đoàn nằm trọn trong vùng Mỏm Vẹt, phía nam cách ngã ba Chi Phu chừng 4 km. Tiểu đoàn bố trí đội hình hàng ngang theo chiều dài một con đê thẳng tắp. Đại đội 2 nằm ngoài cùng, gần phum chùa Cốc. Tiếp đó là đại đội 1. Đại đội 3 nằm nhô lên phía trên đội hình tiểu đoàn chừng 350m trong một cụm nhà cũ đã bị phá huỷ. Đại đội 4 - đại đội hoả lực nằm gần tiểu đoàn bộ, hơi chếch về bên trái. Đã bắt đầu mùa khô nhưng những căn hầm nửa nổi nửa chìm tựa vào bờ đê vẫn toát lên mùi mốc ẩm. Thôi nhé từ nay vĩnh biệt thời huấn luyện! Ah ha ! Cái phản lính dài dằng dặc trại Trảng Lớn trở thành niềm mơ ước. Còn cốc chè đậu đường đen thị xã Tây Ninh, trong tiếng hát ma mị Khánh Ly chừng thuộc một thế giới xa mờ. Thôi tiến lên nào, anh lính chiến !...
Tình hình cuối năm 1978 ở địa bàn đứng chân của trung đoàn 2 khá yên tĩnh. Ta và địch cách nhau một cánh đồng rộng khoảng 1.2km. Ngoại trừ một lần vào lúc chập tối, tiểu đoàn trưởng Sơn ( anh Huỳnh Ngọc Sơn hiện là tư lệnh Quân khu 5) lệnh cho đại 3 mang cối 60 tập kích địch để thăm dò. Khẩu đội cối bò lên trước đội hình khoảng 600m, nạp liều 3 bắn chừng hơn chục quả. Địch trả lời bằng 12.8 mm toang toác suốt đêm. Hầm của trung đội thông tin nằm gần hầm tiểu đoàn. Ban ngày, tiểu đội hữu tuyến củng cố lại dây dợ máy móc. Tiểu đội vô tuyến 2W chúi đầu học bảng mật danh mới. Thằng Vỹ, thằng Mạnh, Thằng Ban trố suốt ngày lầm bầm như cầu kinh:" 01 tiểu đội, 02 trung đội, 03 tiểu đoàn, 04 trung đoàn...." Cha Nhương - tiểu đội trưởng 2W suốt ngày càu nhàu vì quân lâu thuộc. Nhưng tôi dám chắc nếu kiểm tra thì chính bố này thể nào cũng tạm tịt nhất. Đã thế lại còn cái tính hay chê, bôi bác người khác. Chẳng hạn kể chuyện anh Hoạch bên hữu tuyến, hồi mới giải phóng Saigon cứ tưởng cái bồn cầu là chậu vo gạo. Thế là cứ tống gạo vào vo. Đến khi giật nước gạo trôi đi sạch cứ thắc mắc um lên. Lại còn luôn mồm chửi tiện nghi của bọn tư bản là thâm độc. Hay chuyện Khương "khàn" dưới đại 1 dẫn lính đi khao. Không biết gọi phin cafe là gì mới e hèm cất giọng sang sảng: " Naỳ cô em ! Cho một số cái nồi ngồi trên một số cái cốc" ! Hết biết !
Tuy tiểu đoàn bộ nằm lui về sau đội hình nhưng vẫn tổ chức gác ba vọng đề phòng địch bâu bám mật tập. Tôi đã biết định vị sao Tua Rua để căn giờ gác. Trong đêm, nếu ếch nhái đang rỉ rả ầm ĩ mà tự nhiên im bặt, hoặc chim đêm trong chòm cây phía trước bỗng dưng xao xác là phải coi chừng. Luồn hào về bấu tay anh em dậy rồi trở lại vị trí gác ngay. Hãy cúi thật thấp sát mặt đất, dùng nền trời đêm sáng mờ làm phông sẽ dễ phát hiện địch hơn. Lại còn muỗi mới khiếp. Muỗi Chi Phu có họ với muỗi Đồng Tháp mười, con nào con nấy to như con châu chấu con. Áo ka ki ga ba đin không là cái đinh gì. Vòi muỗi xuyên qua hết. Muỗi lăn xả cảm tử xông vào đốt người. Không được đập vì sẽ gây tiếng động. Cũng không được dùng dầu gió xoa vì ban đêm trên đầu gió, mùi dầu sẽ lan rất xa. Chỉ được phép vuốt thôi, vuốt đến đâu lép bép đến đó...Có anh (chắc là con bác Ba Phi) còn kể là hồi mùa mưa, minh nằm trong màn. Muỗi bâu kín ngoài màn hết lớp này lớp khác, một lúc thì dây màn (dây dù) đứt phựt. Lỡ để một ngón tay sát chân màn, muỗi châm ngay. Những con khác không châm được thì châm ngay vào bụng con đang hút máu mình thành một dây chuyền dài hàng mét. Tóm lại là cũng biết làm ăn theo kiểu hợp tác xã...
Ngày 22/12/1978 - ngày Tết Quân đội. Ngoài tiêu chuẩn mà xe hậu cần B3 chở từ nước sang, chúng tôi còn tổ chức cải thiện thêm. Tôi xách AK đi dọc bờ mương bắn cá. Đứng rình một lúc, từng đàn cá sặc rằn to cỡ bàn tay từ từ nổi lên. Thế là : Bụp ! Cá láng trắng nước nhưng phải lập tức lấy màn vớt ngay. Vì chỉ một lát là nó hồi lại. Bố Nhương lại có kiểu bắt cá khác. Không biết anh ấy kiếm đâu được quả đạn B.40 lép liền tháo ngòi nổ ra. Buộc vào một thanh tre cứng dài chừng 2m rồi vác xuống cái đìa cạn gần đại đội 4. Vào xin ít liều cối tọng vào đầu đạn đốt. Thuốc nổ TNT bắt lửa cháy đen kịt. Thế là cha ấy gí cái dụng cụ bắt cá quái dị ấy xuống đìa rà đi rà lại một lúc cho thuốc cháy hết rồi lội ào xuống. Quờ quạng rồi quăng liên tiếp lên bờ những con cá lóc đen bị say thuốc to cỡ bắp tay. Tôi ngán cái dụng cụ nghề cá ấy quá. Kinh bỏ mẹ ! Thôi ! Để em xách cá về cho nào...

Điểm qua thực binh và trang bị của trung đoàn 2 trước chiến dịch giải phóng Phnom Penh :
- Trung đoàn trưởng : Thiếu tá Nguyễn Như Thạnh.
- Các ban Tác chiến, ban Chính trị, ban Hậu cần
- 3 tiểu đoàn bộ binh gồm D4, D5, D6 ( tiểu đoàn anh hùng) - tổng quân số khoảng 700 người
- Đại đội 16 : 3 khẩu đội cối 120mm
- Đại đội 17 : 4 khẩu đội DKZ 75mm
- Đại đội 18 : 4 khẩu đội 12.8 mm
- Đại đội 19 : Công binh - trang bị nhẹ.
- Đại đội 20 : 1 B Thông tin -Vô tuyến máy 15W, 1 B hữu tuyến, 1 B truyền đạt
- Đại đội 21 : Trinh sát - Trang bị nhẹ - AK , M.79
- Đại đội 22 : Vận tải - 2 xe REO, 1 xe Zeep, trực thuộc B3
- Đại đội 23 : Trạm phẫu, bệnh xá trung đoàn
- Đại đội 24 : Vệ binh - trang bị như đại đội bộ binh, bảo vệ sở chỉ huy trung đoàn ,trực thuộc ban tác chiến.
Thống kê như thế để thấy rằng tại thời điểm đó, quân số dù đã được bổ sung vẫn còn lâu mới đủ quân số theo biên chế chính thức của một trung đoàn bộ binh chủ lực. Chúng ta đã từng xem rất nhiều phim về chiến tranh. Theo tôi, có bộ "Giải phóng châu Âu" của Liên xô có những cảnh quay chiến tranh thành công nhất. Còn mấy bộ phim chiến đấu nước nhà muốn chân thực hơn có lẽ phải cho mấy bố làm phim cầm súng choảng nhau vài năm hãy cho về cầm máy quay.Chiến tranh giản dị đến khắc nghiệt vô cùng. Diễn tiến tâm lý cũng chẳng lằng nhằng phức tạp trong thời điểm cận chiến. Mày sống tao chết hoặc ngược lại. Huy động và sử dụng tối đa các kỹ năng sống sót của con thú. Lăn đi! Nằm xuống! B.41 đâu? Bịt mồm khẩu đại liên! Mẹ kiếp !....Không sủa, không gầm gừ được thì văng tục!..... Có thế thôi ! Sau này lắng lại, các xúc cảm con Người trở về, và được sự giúp đỡ của các nhà văn nhà báo lãng mạn mới hay mình đã chiến đấu vì Đất nước. Kể cũng thấy tự hào...

Rồi thời điểm ấy cũng đã đến !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét